Việt Nam nên tăng diện tích trồng ca cao - nongthonviet.com
Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành quốc gia xuất khẩu ca cao hàng đầu
Việt Nam có thế mạnh trồng và xuất khẩu ca cao. Tuy nhiên, thời gian qua, cây ca cao chưa được đầu tư tương xứng. Thực trạng này được nêu ra trong hội thảo “Phát triển ca cao bền vững ở Việt Nam – Cơ hội thách thức và giải pháp” do Ban Điều phối ca cao – Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức ở TP HCM mới đây.
Ngành sản xuất ca cao mới được phát triển ở các tỉnh phía Nam trong vòng 10 năm nay và bắt đầu cho thu hoạch từ 5-6 năm trở lại đây. Đây là cây trồng có tiềm năng phát triển vì điều kiện tự nhiên nước ta khá phù hợp, nhất là ca cao trồng xen trong vườn dừa, vườn điều hoặc trồng thuần ở các tỉnh phía Nam, vừa giúp tăng thu nhập vừa góp phần duy trì diện tích cây dừa, cây điều phát triển hiệu quả. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết gần đây, nhu cầu ca cao của thế giới tăng mạnh nhưng nguồn cung lại sụt giảm. Đây chính là thời điểm thuận lợi để Việt Nam vươn lên trở thành nhà cung ứng ca cao lớn cho thế giới.
Nếu như năm 1999, Việt Nam chỉ có 900 ha ca cao thì đến năm 2007 con số này đã tăng lên gấp 10 lần với 9.000 ha và hiện đạt 22.000 ha – tập trung ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cơ hội đang mở ra cho Việt Nam. Vì vậy, với việc tham gia dự án, Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu phát triển ca cao bền vững cả về số lượng và chất lượng, góp phần đạt mục tiêu 33.500 ha vào năm 2015 và 50.000 ha vào năm 2020.
Ông CasVander Horst, Phó Đại sứ – Đại sứ quán Hà Lan, cho biết năm 2020, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao do nhu cầu sử dụng cao, đặc biệt là ở châu Á. Trong khi đó, nguồn cung lại ngày càng thiếu hụt. Đây là cơ hội cho Việt Nam để nâng cao vị thế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thế giới, ca cao phải có chất lượng tốt. Nếu Việt Nam phân tích và tìm các giải pháp nâng cao sản xuất, kinh doanh thì sẽ có cơ hội là một trong các quốc gia hàng đầu cung cấp ca cao cho thị trường thế giới.
Những năm qua, sản xuất ca cao đã đạt được một số kết quả bước đầu. Theo tổng hợp từ các tỉnh, năm 2013, diện tích trồng cả nước trên 22.000 ha, sản lượng ước tính 6.000-7.000 tấn hạt khô. Chất lượng hạt ca cao lên men được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Những vườn ca cao chăm sóc tốt đã đạt năng suất từ 2.000-3.000 kg hạt khô lên men/ha đối với trồng thuần và 1.000-1.500 kg hạt khô lên men/ha đối với trồng xen. Cơ sở nhân giống, mạng lưới thu mua, sơ chế lên men cơ bản hình thành đến những vùng trồng. Sản xuất ca cao bước đầu đã tham gia xuất khẩu. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu gần 3.000 tấn hạt khô lên men.
Hiện nay, ca cao đứng trước cơ hội và thách thức. Nhu cầu ca cao thế giới ngày càng tăng, khối lượng cung chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là ca cao chất lượng tại châu Á. Việt Nam được đánh giá là có vị trí chiến lược trong cung cấp ca cao chất lượng của vùng. Cộng đồng quốc tế cũng đang tích cực hỗ trợ sản xuất ca cao chất lượng và có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.
Với Việt Nam, đây là loại cây trồng mới nên diện tích còn ít, quy mô nhỏ, năng suất bình quân còn thấp, sản lượng chưa nhiều; cung cấp nguyên liệu cho các nhà chế biến và xuất khẩu hạt ca cao lên men với số lượng còn khá khiêm tốn. Nhiều vấn đề về kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, sơ chế lên men, kể cả khâu nghiên cứu còn hạn chế. Nếu không có những giải pháp nâng cao năng suất thì sức cạnh tranh của cây ca cao trong nước sẽ thấp so với một số cây trồng khác trong vùng trồng ca cao.
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét