Kỳ tích của lão nông ghép loại cây “thất quả” - nongthonviet.com
Những năm trước, lão nông Lê Đức Giáp ở xóm Bãi, xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội) đã nức tiếng gần xa với việc lai ghép thành công cây ngũ quả (5 loại quả). Năm nay, ông lại tiếp tục tung ra thị trường tết cây “thất quả” kỳ lạ.
Vườn cây thoát nghèo
Đến thăm vườn cây của gia đình ông Giáp ở xóm Bãi những ngày này, đâu đâu cũng thấy sắc chín vàng rộm của cây ngũ quả, trông rất bắt mắt. Gặp chúng tôi, ông Giáp hồ hởi khoe: “Hiện khách hàng đã đến đặt mua quá nửa vườn rồi, năm nay có thêm cây 7 quả (thất quả) nên khách đến nhiều hơn. Hồi đầu tháng 11, có đoàn khách bay từ miền Nam ra đặt mua 6 cây, giá hơn 10 triệu đồng/cây mà họ còn kêu rẻ, đòi mua thêm. Nhưng do tôi muốn để dành cây bán cho khách quen ở miền Bắc nên phải từ chối”.
Trước đây, gia đình ông làm nông nghiệp và làm pháo bán tết, nhưng một thời gian sau Nhà nước cấm sản xuất pháo nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Mất nghề truyền thống, ông làm hết nghề này đến nghề khác, rồi quyết định chọn nghề gắn bó lâu dài là buôn bán hoa quả. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình vẫn không mấy cải thiện, nhà lại đông con, điều này càng thôi thúc ông tìm cách thoát nghèo.
“Cái khó ló cái khôn”, trong một lần sang huyện Văn Giang (Hưng Yên) mua hoa quả, ông Giáp thấy các gia đình ở đây đều trồng cam Canh, hiệu quả kinh tế khá cao, trong khi đó đất xóm Bãi quê ông vẫn còn rộng mênh mông, tại sao lại không làm? Với suy nghĩ đó, đầu năm 2000, ông Giáp quyết tâm mang cây cam Canh về trồng trên đất quê hương.
Về nhà, ông bỏ trồng lúa, dùng toàn bộ diện tích 1.000m2 để trồng cam. “Gia đình sống chủ yếu bằng nghề nông, giờ phá đất nên cả nhà ai cũng ngăn cản. Không hiểu sao lúc đó tôi vẫn quyết liều một phen, trong khi kiến thức về trồng cam cũng chưa nắm rõ” – ông Giáp kể.
Và sự khó khăn đã đến ngay từ những ngày đầu, khi chất đất trong vườn nhà ông hơi chua và có độ kiềm cao, không phù hợp với cây cam. “Lúc ấy tôi lại quay về Văn Giang tìm hiểu, rồi đọc thêm sách báo, xem tivi, sau đó tìm ra giải pháp từng bước hạ độ pH cho đất bằng cách rải vôi và tro. Nhờ đó, ngay vụ cam đầu tiên gia đình đã thu lãi hơn 20 triệu đồng” – ông Giáp vui vẻ nói.
Thấy có lãi, ông Giáp mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam và cho đến nay, gần như năm nào cũng thu về hàng chục triệu đồng. Theo ông Giáp, bình thường cây cam sau 4 năm mới cho quả bói, nhưng vườn cam nhà ông sau 1 năm đã cho quả. Để làm được điều “thần kỳ” đó, ông Giáp dùng dao tiện vào thân cây với độ sâu hợp lý, điều này gây ảnh hưởng nhất định tới việc trao đổi chất của cây, khiến cây phát triển trái với tự nhiên, từ đó ra hoa đậu quả theo ý muốn người trồng.
“Nhiều người dùng dao tiện một lần cho cây ra hoa và quả là không đúng, tôi thực hiện từ 2-3 lần. Như thế cây có thể héo nhưng không bị rụng lá, ra hoa theo ý muốn. Phải nhớ rằng, cây rụng lá thì sẽ ít quả” – ông Giáp chia sẻ kinh nghiệm.
Bí quyết “luyện” cây
Trong quá trình làm vườn, ông Giáp phát hiện ra rằng, ở các quả có múi, thành phần dinh dưỡng nuôi quả giống nhau nên khi ghép cam, chanh, phật thủ vào cây bưởi, chúng thích nghi rất nhanh. Tuy nhiên, năm đầu tiên thử nghiệm ghép cây ngũ quả, ông Giáp thất bại. Hồi đó là vào độ tháng Giêng, cây ngũ quả (ghép gốc bưởi với mắt cành cam, quýt, chanh, quất) đều ra hoa rất sai, nhưng cuối năm cây chỉ đậu 2 – 3 loại quả.
Rút kinh nghiệm, năm sau ông Giáp đã lựa theo đặc tính của mỗi loại cây để chọn tháng trong năm tiến hành ghép cho phù hợp. Ông Giáp phân tích: “Cây bưởi Diễn hoặc cây cam Canh có bộ rễ chùm khỏe, không bị sâu bệnh, vào tháng 5 là thời điểm thích hợp để ghép bưởi Diễn, tháng 6 ghép cam Canh và quýt, tháng 9 ghép quất, tháng 10 ghép phật thủ. Với cách làm này, tôi đã có những cây ngũ quả chín cùng lúc vào dịp Tết Nguyên đán”.
Nói thì đơn giản, nhưng theo ông Giáp, để có được cây ngũ quả đẹp, người làm phải biết chọn những cành ghép chuẩn, đặc biệt là quả chọn ghép phải đẹp, có sức sống thì khi ghép vào cây, quả mới phát triển và chín đúng tết theo ý muốn. Đặc biệt, ngoài thông thạo kỹ thuật ghép, người làm cũng phải có con mắt thẩm mỹ để bố trí các quả trên cây sao cho đẹp, nhìn góc nào cũng thấy rực rỡ.
“Một điều quan trọng nữa là người làm cây phải có vốn văn hóa sâu rộng, để tính toán lượng quả trên cây sao cho hợp lý, phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt.
Theo phong tục, người Việt ta thích số lẻ và cho rằng số lẻ sẽ đem lại may mắn, tài lộc, vì thế số quả trên mỗi cây trong vườn nhà tôi đều là số lẻ. Cây ngũ quả nhỏ thì thường có 3 quả cam, 3 quả phật thủ, 3 quả quất, 3 quả quýt, 5 – 7 quả bưởi. Cây to thì số quả mỗi loại sẽ nhiều hơn” – ông Giáp nói.
Điểm đặc biệt của loại cây này là tuy 5 loại quả cùng ghép trên một thân cây, nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của từng loại hoa trái. Thời gian từ khi chọn cây, tiến hành ghép cho đến khi thu hoạch khoảng 1 năm.
Ông Giáp cho biết, tuy đã ghép thành công cây ngũ quả, nhưng năm đầu (2009) ông chưa tìm được nơi tiêu thụ. Vì vậy ông đã đem toàn bộ số cây tặng hoặc bán rẻ cho bà con họ hàng. Thật may là năm đó quê ông lại mở hội làng (5 năm tổ chức 1 lần) nên bạn bè từ các nơi về dự hội đã tận mắt thấy cây ngũ quả đặc biệt của ông Giáp. Và thế là từ năm 2010 đến nay, ghép được bao nhiêu ông đều bán hết sạch.
Sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm giàu
Tết Nguyên đán năm nay, ngoài gần 100 cây ngũ quả, ông Giáp còn mạnh dạn giới thiệu thêm “sản phẩm” mới là trên 20 cây loại thất quả (7 quả), vì được ghép thêm quả bưởi đỏ và chanh đào. Ông Giáp cho biết: “Cây 5 loại quả tượng trưng cho mâm ngũ quả để thờ cúng ngày tết, còn cây 7 quả, tôi muốn thể hiện sự hoà hợp, gắn bó, sum vầy trong gia đình Việt ngày xuân”.
Ngoài hơn 1ha đất trồng cây ngũ quả tại xóm Bãi, năm vừa rồi ông Giáp thuê thêm gần 2ha đất trên thị trấn Cao Phong (Hòa Bình) để trồng cây “lạ”. Dự kiến mùa tết tới, ông Giáp sẽ cung cấp cho thị trường 300 – 400 cây ngũ và thất quả. Hiện, với hơn 1ha trồng cây ngũ quả, mỗi năm lợi nhuận ông Giáp thu về không dưới 500 triệu đồng. |
Để đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng, vườn nhà ông cũng có đủ loại cây từ bình dân cho đến hàng “khủng”. Cây to, đẹp giá từ 2 – 20 triệu đồng/cây, cây nhỏ từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/cây.
“Riêng với cây thất quả, tuy là cây mới nhưng giá bán cũng chỉ nhỉnh hơn cây ngũ quả từ 500.000 – 600.000 đồng/cây” – ông Giáp cho biết.
Chia tay chúng tôi, ông Giáp bảo, ông rất tự hào khi ghép thành công loại cây “lạ”, nhờ đó mà gia đình khấm khá hơn hẳn. Ông Giáp nói: “Mình cũng là nông dân, do may mắn tìm ra được cây trồng tốt, vì thế tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật ghép cây ngũ quả cho những ai đam mê và khao khát làm giàu từ loại cây độc đáo này”.
Thực tế là trong 3 năm qua, ông đã giúp không ít hộ ghép cây ngũ quả thành công, như hộ anh Nguyễn Văn Tình ở thị trấn Cao Phong (Hòa Bình), anh Phạm Văn Thắng ở Chương Mỹ (Hà Nội)…
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét